Sự nghiệp Trương Quốc Vinh

Trương Quốc Vinh được xem như "Người đi tiên phong của làng nhạc Cantopop", và sở hữu một sự nghiệp thành công rực rỡ trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh[9]. Trong âm nhạc, anh được mệnh danh là "Elvis của Hồng Kông"[5], còn với điện ảnh, anh được coi là một diễn viên tài năng xuất chúng, người có thể đảm nhận nhiều loại vai khác nhau, đặc biệt với những vai diễn trong các bộ phim nghệ thuật.

Khởi nghiệp

Năm 1977, Trương Quốc Vinh tham gia và giành giải nhì tại Cuộc thi Âm nhạc châu Á, tổ chức bởi Rediffusion Television Co. (RTV). Anh ký hợp đồng với RTV (hãng truyền hình sau này được đổi thành Asia Television Company - ATV) và bắt đầu bước vào làng giải trí Hồng Kông. Ngoài ra, Trương Quốc Vinh còn ký một hợp đồng âm nhạc với Polydor Records, phát hành 2 album Day Dreaming (1977) và Tình nhân tiễn (情人箭, 1979).

Những ngày đầu sự nghiệp của Trương Quốc Vinh hoàn toàn không thuận lợi. Anh từng có lần bị đuổi khỏi sân khấu, hai album đầu của anh cũng không được công chúng hoan nghênh. Kết thúc hợp đồng của mình, Trương Quốc Vinh rời khỏi Polydor Records. Bộ phim đầu tiên Trương Quốc Vinh tham gia, The Erotic Dream of the Red Chamber (紅樓春上春, 1978) là một phim khá "lộ liễu", để lại một điểm xấu trong sự nghiệp của anh. Về sau Trương Quốc Vinh phát biểu, anh không biết đến tính "nhạy cảm" của bộ phim khi ký kết hợp đồng[10].

Trong thập niên 1970, 1980, Trương Quốc Vinh tham gia trong một số bộ phim truyền hình như The Young Concubine (我家的女人), Agency 24 (甜甜廿四味), Pairing (對對糊) và The Spirit Of The Sword (浣花洗劍錄). Những bộ phim này giúp anh trở thành một gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ tại Đông Nam Á.

Vươn lên đỉnh cao

Năm 1982, Trương Quốc Vinh gia nhập Capital Artists khi kết thúc hợp đồng với RTV. Đây là lúc Trần Thục Phân - người vẫn theo Trương Quốc Vinh đến tận sau này - bắt đầu làm quản lý cho anh. Tại Capital Artists, Trương Quốc Vinh cũng gặp được Mai Diễm Phương – một thần tượng khác của Cantopop, và bắt đầu tình bạn thân thiết lâu năm của họ.

Năm 1983, Gió tiếp tục thổi (風繼續吹) trở thành bài hit đầu tiên của Trương Quốc Vinh. Và năm 1984, Monica lọt vào danh sách Top 10 bài hát được yêu thích nhất. Ca khúc sôi động này cũng giành được giải Top 10 ca khúc vàng tiếng Hoa của RTHK. Monica trở thành đại diện cho một thể loại nhạc mới của Hồng Kông vào giữa thập niên 1980. Người nghe từ đây bắt đầu mong mỏi Cantopop có thêm nhiều bài hát sôi động và mạnh mẽ, mang âm hướng nhạc dance như vậy. Những bài hát khác lọt vào Top 10 ca khúc vàng của Trương Quốc Vinh còn có Ngọn gió tự do (不羈的風, album Chung tình vì em (為你鍾情) 1985); Có ai đồng thanh (有誰共鳴, album Ái hoả (愛火), 1986) và Đương niên tình (當年情, ca khúc chủ đề cho bộ phim Anh hùng bản sắc, album Ái hoả (愛火), 1986). Ngoài ra, Có ai đồng thanh còn giành được giải Bài hát vàng của năm (1986).

So với lĩnh vực âm nhạc, sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh khởi sắc có phần muộn màng hơn. Trong Encore (喝采, 1980) và Thất nghiệp sinh (失業生, 1981), Trương Quốc Vinh đảm nhận hai vai phụ. Tuy nhiên, tài năng diễn xuất của anh lại nhanh chóng được công nhận với Đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (HKFA) cho vai diễn trong Thất nghiệp sinh. Sau đề cử này, Trương Quốc Vinh được mời vào vai nam chính trong Teenage Dreamers (1982), và kể từ đó, hầu như anh luôn đảm nhận vai chính trong những phim mình tham gia. Trong những năm 1980 đến 1986, hầu hết những bộ phim của Trương Quốc Vinh đều là phim dành cho giới trẻ. Trong số này, Liệt hỏa thanh xuân (No Mad, 1982) được các nhà phê bình và giới truyền thông Hồng Kông nhận định như "Một làn sóng mới" của điện ảnh. Vai Louis trong Liệt hỏa thanh xuân cũng đem lại cho Trương Quốc Vinh một đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông. Sau này, Trương Quốc Vinh phát biểu rằng, Liệt hỏa thanh xuân chính là phim điện ảnh "thật sự" đầu tiên của mình. Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh còn tham gia vào một số phim truyền hình của Television Broadcasts (TVB), như Nồng bổn đa tình (儂本多情) và The Fallen Family (武林世家).

Vinh quang và Giã biệt

Năm 1986, Trương Quốc Vinh gia nhập Cinepoly Records Hong Kong và cho phát hành album Summer Romance vào năm 1987. Album này đã giành được danh hiệu CD bán chạy nhất trong năm và Album bán chạy nhất trong năm. Thành công của Summer Romance càng đưa sự nghiệp âm nhạc của Trương Quốc Vinh lên đỉnh cao và giúp anh trở thành một trong hai thần tượng của làng Cantopop lúc bấy giờ cùng Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Im lặng là vàng (沉默是金) ra đời, đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trương Quốc Vinh. Hot Summer (1988), Virgin Snow (1988), Leslie '89 (Mặt bên, IFPI - Album Bán chạy nhất trong năm, 1989), Final Encounter (1989), và Salute (1990) là những album nổi tiếng khác mà Trương Quốc Vinh cộng tác với Cinepoly Records. Salute là album đầu tiên được làm với mục đích phi lợi nhuận bởi một ngôi sao lớn của làng nhạc Hồng Kông. Trong album này, Trương Quốc Vinh chỉ hát lại những bài hát của các ca sĩ khác. Với anh, Salute chính là cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với âm nhạc. Toàn bộ số tiền thu được từ album này, Trương Quốc Vinh đã ủng hộ cho Học viện đào tạo Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông - sau này trở thành Quỹ học bổng Tưởng nhớ Trương Quốc Vinh khi anh mất[11].

Cùng với sự nổi tiếng của Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân, fan của cả hai ca sĩ này cũng quay sang "đối địch" lẫn nhau, sự tranh chấp "vị thế" của các fan ra sức ép nặng nề cho cả Trương Quốc Vinh và Đàm Vịnh Lân. Năm 1988, Đàm Vịnh Lân công khai rút khỏi toàn bộ các giải thưởng của làng nhạc pop. Và năm 1989, Trương Quốc Vinh tuyên bố ý định giã từ sự nghiệp âm nhạc của mình. Anh trở thành ca sĩ đầu tiên có một sêri Nhạc hội từ giã sự nghiệp tại Đại hí viện Hồng Kông, với tổng cộng 33 đêm diễn (Trương Quốc Vinh lúc này vừa được 33 tuổi). Năm 1990, Trương Quốc Vinh rời khỏi Hồng Kông trong lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao và nhập cảnh British Columbia - Canada. Năm 1992, Trương Quốc Vinh trở thành công dân Canada nhưng sau đó không lâu, anh lại rời Canada để quay về Hồng Kông.

Trong những 1986 đến 1989, Trương Quốc Vinh tham gia một số phim được xem như kinh điển của điện ảnh Hồng Kông[12]. Anh hùng bản sắc (1986, đạo diễn Ngô Vũ Sâm) với sự tham gia của Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh, Địch Long đã trở thành bộ phim tiên phong cho thể loại "tam kiệt" của Hồng Kông trong thập niên 1980. Trong phim này, anh vào vai Tống Tử Kiệt, một cảnh sát trẻ ngay thẳng và đầy ý chí, ôm trong mình tình cảm cũng như sự oán giận với người anh trai - người mà cậu ta cho rằng đã gây ra cái chết cho cha họ. Vai diễn này giúp Trương Quốc Vinh được công chúng nhìn nhận như một diễn viên chuyên nghiệp.

Năm 1987, ngoài Anh hùng bản sắc II, Trương Quốc Vinh tham gia Yên chi khâu (đạo diễn Quan Cẩm Bằng) với Mai Diễm Phương, Thiến nữ u hồn (đạo diễn Trình Tiểu Đông) với Vương Tổ Hiền. Hai vai diễn cảnh sát viên Tống Tử Kiệt và chàng công tử si tình Trần Chấn Bang đem về cho anh hai Đề cử nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông và Liên hoan phim Kim Mã. Thành công của Anh hùng bản sắc và Thiến nữ u hồn còn giúp Trương Quốc Vinh được khán giả Nhật BảnHàn Quốc yêu mến nhiệt liệt, cũng như khởi đầu cho sự nổi tiếng của anh tại hai đất nước này. Cho đến nay, chưa có nam nghệ sĩ Hồng Kông hay Trung Quốc nào có thể đạt được ảnh hưởng tại Nhật Bản và Hàn Quốc như Trương Quốc Vinh. Nếu tính theo số lượng, người hâm mộ của anh tại Nhật Bản còn nhiều hơn ở Hồng Kông. Anh cũng là người mở đường cho âm nhạc Trung Hoa tiến vào thị trường Hàn Quốc, album đầu tiên phát hành tại Hàn Quốc của anh bán được 300.000 bản, trong khi các album của Tứ đại thiên vương sau đó cũng chỉ bán được 90.000 bản. Sự nổi tiếng của Trương Quốc Vinh ở thị trường Hàn Quốc là vô cùng mạnh mẽ. Những ngôi sao Hàn Quốc ngày nay rất nhiều người chịu ảnh hưởng từ Trương Quốc Vinh.

Đỉnh cao điện ảnh

Từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 là thời kì vàng son của điện ảnh Hồng Kông, đồng thời cũng là giai đoạn Trương Quốc Vinh đạt đến đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh.

Năm 1991, bộ phim nghệ thuật kinh điển của Hồng Kông A Phi chính truyện của đạo diễn Vương Gia Vệ ra đời và thành công rực rỡ, vai Yuddy trong bộ phim này đã mang đến cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991. Mặc dù đã từng phát biểu là rất "khó chịu" với cách làm việc của đạo diễn Vương Gia Vệ (Vương Gia Vệ làm phim thường không có kịch bản, ông hay bắt đầu mọi thứ bằng một ý tưởng, mời diễn viên, rồi vừa quay vừa nghĩ kịch bản, điều này có thể làm hao tổn rất nhiều thời gian và công sức của diễn viên, nhất là trong môi trường làm việc đầy rẫy khó khăn như Xuân quang xạ tiết), nhưng khán giả màn ảnh rộng đều công nhận đạo diễn này có thể đem đến cho điện ảnh một "Best of Leslie", điều này có thể chứng minh qua những bộ phim khác mà Trương Quốc Vinh hợp tác với Vương Gia Vệ.

Đông Tà Tây Độc (1994) là một bộ phim võ hiệp nhưng lại chú trọng khai thác tình cảm và mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau, vai kiếm khách kiêm sát thủ Âu Dương Phong trong bộ phim này đã đem về cho Trương Quốc Vinh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Hong Kong Film Critics Society Awards. Xuân quang xạ tiết (1997) với diễn xuất xuất sắc của Trương Quốc Vinh (vai Hà Bảo Vinh) và Lương Triều Vĩ (vai Lê Diệu Huy) vẫn luôn là bộ phim gây xúc động cho khán giả trong rất nhiều năm.

Nhưng bộ phim được nhớ đến nhiều nhất của Trương Quốc Vinh lại là sự hợp tác giữa anh và đạo diễn Trần Khải Ca Bá vương biệt cơ (1993). Bá vương biệt cơ là bộ phim mà Trần Khải Ca tâm đắc nhất, việc tuyển chọn diễn viên cũng là một vấn đề khó khăn. Và lần đầu tiên, một diễn viên Hồng Kông được mời vào một phim của Trung Quốc đại lục. Trương Quốc Vinh đã đến Bắc Kinh nửa năm để học kinh kịch và tham gia bộ phim này. Bá vương biệt cơ đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và giành hai đề cử Phim nước ngoài hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất tại giải Oscar. Trình Điệp Y, vai diễn xuất thần trong phim này đã đưa Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao quốc tế, đây cũng là vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của anh. Năm 2004, Bảo tàng Madame Tussauds Hồng Kông đã thực hiện bức tượng sáp Trương Quốc Vinh nhằm tưởng nhớ anh, bức tượng này được làm dựa theo hình mẫu của nhân vật Trình Điệp Y.

Năm 1996, Trương Quốc Vinh còn cùng Củng Lợi tham gia Phong Nguyệt, một bộ phim khác của Trần Khải Ca. Phim này cũng giành được đề cử giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes.

Với những vai diễn trên, Trương Quốc Vinh đã được công nhận như một tài năng hiếm có của dòng phim nghệ thuật.

Năm 1998, Hồng sắc luyến nhân (紅色戀人) với vai Jin của Trương Quốc Vinh - một diễn viên Hồng Kông, bất chấp tình hình phức tạp của Hồng Kông lúc bấy giờ, vẫn đạt được thành công tại Trung Quốc đại lục. Vào năm 2004, bộ phim này còn giành được giải Phim nước ngoài được yêu thích nhất tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng.

Những bộ phim quan trọng khác của Trương Quốc Vinh còn có Bạch Phát Ma Nữ truyện (với Lâm Thanh Hà, 1993), Kim chi ngọc diệp, Dạ bán ca thanh (1995) và Sắc tình nam nữ (với Thư Kỳ, 1996). Ba vai diễn trong ba phim này đã đem lại cho anh sáu đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cũng như Liên hoan phim Kim Mã. Bộ phim Bạch phát ma nữ truyện được coi là một trong những tác phẩm kiếm hiệp tình cảm hay nhất, còn Sắc tình nam nữ, 1 bộ phim soft porn của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng được đề cử phim xuất sắc tại LHP Berlin 1996.

Là một diễn viên đa tài, Trương Quốc Vinh còn thành công ở thể loại phim hài hành động với Tung hoành tứ hải (với Châu Nhuận Phát, 1991), Gia hữu hỉ sự (1992), Đông thành Tây tựu, Đại phú chi gia, và Kim ngọc mãn đường. Trương Quốc Vinh luôn là một tên tuổi có thể đảm bảo doanh thu phòng vé cho các bộ phim mình tham gia. Từ năm 1990 đến 1998, 13 trong tổng số 39 phim của anh đã lọt vào Top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất[13].

Trong những năm 1989 đến 1995, dù đã giã từ sân khấu ca nhạc, nhưng Trương Quốc Vinh vẫn tiếp tục công việc viết ca khúc. Anh đã sáng tác hơn mười bài hát trong thời gian này, và giành được nhiều đề cử cũng như giải thưởng nhạc phim tại các liên hoan.

Trở lại âm nhạc

Năm 1995, Trương Quốc Vinh cộng tác với Rock Records, và bắt đầu quay trở lại làng nhạc Hồng Kông với vai trò một ca sĩ chính thức. Cùng năm này, anh cho ra đời Beloved, album đầu tiên kể từ khi giã biệt người nghe. Beloved ngay lập tức đạt được thành công rực rỡ về doanh thu với danh hiệu IFPI Best Selling Album. Năm 1996, Trương Quốc Vinh phát hành album gần như được xem là đậm chất nghệ thuật nhất của mình: Red. Red là album hòa trộn nhiều thể loại nhạc khác nhau như jazz, R&B, trip hop... tạo nên một phong cách âm nhạc khác lạ rất đặc biệt, hoàn toàn khác với phong cách cũ của Trương Quốc Vinh trong thập niên 1980. Album này cũng chứa bài hát cùng tên Red, một ca khúc quan trọng trong sự nghiệp của anh. Năm 1998, Printemps, album tiếng Quan Thoại đầu tiên Trương Quốc Vinh được phát hành.

Trong năm 1997, Trương Quốc Vinh tổ chức nhạc hội đầu tiên từ khi quay trở lại: World Tour 97, từ 12 tháng 12 năm 1996 đến 17 tháng 6 năm 1997. Cũng giống như phong cách nhạc mới, anh giới thiệu cho khán giả của mình một hình ảnh hoàn toàn mới. Phần trình diễn được yêu thích nhất của nhạc hội này chính là ca khúc Red, trong đó có đoạn Trương Quốc Vinh khiêu vũ cùng với một vũ công nam trên đôi giày cao gót màu đỏ. World Tour 97 bao gốm tất cả 55 buổi trình diễn: 24 buổi tại Hồng Kông và 31 buổi tại các thành phố khác trên thế giới, trong đó có 6 buổi diễn ra tại Nhật và Trung Quốc đại lục.

Năm 1999, Trương Quốc Vinh thành lập công ty âm nhạc Apex Music, và ký một hợp đồng với Universal Music Group (UMG). Những album quan trọng được phát hành bởi UMG bao gồm Cùng em đếm ngược (陪你倒數, 1999), Đại nhiệt (大熱; 2000), và Untitled (2000). Những bài hit của anh trong thời gian này gồm có Chuồn chuồn ngang qua, Đại nhiệt, Tay trái tay phải. Ca khúc đạt giải "Bài hát yêu thích trọn đời tôi" của CASH - Tôi (我) được xem là một bài hát tự thuật của chính anh.

Năm 2000, Trương Quốc Vinh được trao tặng giải thưởng Golden Needle, giải thành tựu trọn đời của Cantopop. Ca khúc Monica của anh cũng được tôn là Ca khúc của thế kỷ bởi sức ảnh hưởng của nó. Cùng năm này, Trương Quốc Vinh được mời làm Đại sứ âm nhạc đầu tiên của Hiệp hội sáng tác Hồng Kông (CASH), và thực hiện bài hát chủ đề cho CASH Golden Sail Award.

Những năm cuối

Năm 2000, Trương Quốc Vinh tổ chức Passion Tour, series nhạc hội cuối cùng của mình. Passion Tour bao gồm 43 buổi trình diễn, bắt đầu từ 31 tháng 7 năm 2000 đến 16 tháng 4 năm 2001. Đây chính là nhạc hội đặc biệt và xuất sắc nhất của Trương Quốc Vinh. Với Passion Tour, Trương Quốc Vinh lần đầu tiên làm công việc chỉ đạo nghệ thuật, và anh cũng rất thành công như với vai trò ca sĩ. Trương Quốc Vinh mời Jean-Paul Gaultier thiết kế tất cả tám bộ trang phục trong đợt trình diễn này. Tuy nhiên, những bộ trang phục, cùng với mái tóc dài của anh, lúc đầu đã bị giới truyền thông Hồng Kông công kích gay gắt. Về sau Trương Quốc Vinh công bố rằng Jean-Paul Gaultier đã vô cùng tức giận với những lời công kích không xác đáng đó và nói với anh trong một email, rằng ông sẽ không thiết kế trang phục cho bất kỳ nghệ sĩ châu Á nào nữa. Mặc cho những công kích ban đầu của giới báo chí Hồng Kông, Passion Tour vẫn gặt hái thành công rực rỡ và được chào đón nhiệt liệt ở khắp nơi, trong đó có Nhật Bản, nơi Trương Quốc Vinh tổ chức tới 10 buổi trình diễn. Cộng với World Tour 97, anh đã lập kỷ lục về việc một nghệ sĩ nước ngoài có 16 nhạc hội tại Nhật. Không chỉ dừng lại ở đó, tại Trung Quốc, Trương Quốc Vinh còn giữ kỷ lục về việc có 2 đêm diễn tại sân vận động Thượng Hải với sức chứa 80.000 người. Passion Tour cũng đem về cho Trương Quốc Vinh giải Thành tựu quan trọng của Mingpao Weekly và Thành tựu âm nhạc của Chinese Pop Music Media Association.

Trong những năm cuối của thập niên 1990, Trương Quốc Vinh đánh dấu một bước ngoặt trong diễn xuất với những vai diễn gai góc. Trong Lưu tinh ngữ (流星語, 1999), anh đóng vai một người cha nghèo nhận nuôi một đứa trẻ. Trong Thương Vương (槍王, 2000), là vai một sát thủ bất ổn tâm lý và tìm thấy niềm thoả mãn trong sự giết chóc. Sự nhập vai thuyết phục của anh thậm chí đã khiến người Trung Quốc có một cụm từ "biến thái theo kiểu Trương Quốc Vinh". Và năm 2002, Dị độ không gian (異度空間, 2002) với vai một bác sĩ tâm thần khám phá ra vấn đề tâm lý của mình trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân. Dị độ không gian là bộ phim cuối cùng của Trương Quốc Vinh, khán giả tin rằng anh đã đưa cảm xúc thật của mình vào nhân vật trong phim, và bộ phim được đánh giá thành công cũng là nhờ vào diễn xuất của các diễn viên chính. Với những bộ phim này, Trương Quốc Vinh đã nhận được bốn đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất của Giải thưởng Điện ảnh Hồng KôngLiên hoan phim Kim Mã.

Trong thời gian này, Trương Quốc Vinh cũng bắt đầu thử sức trong vai trò đạo diễn, bộ phim tuyên truyền chống hút thuốc lá dài 45 phút Yên phi yên diệt (煙飛煙滅, 2000) là tác phẩm đầu tiên của anh, với sự tham gia của Mai Diễm Phương, Mạc Văn Uý, Vương Lực Hoành. Năm 2002, Trương Quốc Vinh bắt đầu thực hiện Stealing Heart, nhưng bộ phim này đã không thể hoàn thành bởi cái chết đột ngột của anh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trương Quốc Vinh //nla.gov.au/anbd.aut-an35398137 http://www.lesliecheung.cc http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-07/17/con... http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-05/2... http://english.peopledaily.com.cn/200404/01/eng200... http://ent.sina.com.cn/y/p/2008-04-02/10051971439.... http://www.allbusiness.com/retail-trade/miscellane... http://movies.aol.com/celebrity/leslie-cheung/1272... http://lesliecheung-vn.blogspot.com http://lesliecheung4vn.blogspot.com